Tin Tức

Trình tự, thủ tục thu hồi đất người dân cần nắm rõ (cập nhật 2022)

Thu hồi đất được pháp luật quy định và được tiến hành qua nhiều khâu, nhiều bước. Bởi vậy, khi nắm rõ thủ tục và quy trình thu hồi đất, người dân có thể giám sát và bảo vệ quyền lợi của mình nếu việc thu hồi đất diễn ra không đúng quy định.

Trình tự, thủ tục thu hồi đất được quy định tại Điều 69 và Điều 71 Luật Đất Đai 2013, vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Bước 1: Thông báo thu hồi đất

Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất?

Không phải cơ quan nào cũng có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất. Luật quy định 2 cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cụ thể:

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất đối với trường hợp sau:

+ Thu hồi đất của tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

+ Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất trong trường hợp sau:

+ Thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

+ Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Nhà nước thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội 

Thời hạn thông báo thu hồi đất là bao lâu?

Theo Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013 thì: Trước khi có quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi cho người sử dụng đất biết trước thời điểm thu hồi một khoảng thời gian nhất định:

– Chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp.

– Chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.

Gửi, thông tin thông báo thu hồi đất như thế nào? 

Thông báo thu hồi đất được gửi và thông tin bằng các hình thức sau:

– Gửi đến từng người có đất thu hồi, 

– Họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi, 

– Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, 

– Niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn), địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Bước 2: Điều tra, khảo sát, đo đạc, thống kê, kiểm đếm

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Trách nhiệm của người sử dụng đất

Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp người sử dụng đất không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ

– Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.

– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người đó không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Cưỡng chế thu hồi đất đúng pháp luật

Bước 3: Lấy ý kiến, lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Trong quy trình thu hồi đất, không thể thiếu việc lấy ý kiến, bàn bạc cũng như thẩm định phương án bồi thường cho người sử dụng đất. Bởi vậy, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thực hiện các việc sau:

– Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

– Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

– Tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

– Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.

Sau khi có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án đó khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

Bước 4: Quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Việc quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải được cơ quan có thẩm quyền thực hiện trong cùng 1 ngày. 

Bước 5: Gửi, phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Để công tác bồi thường được minh bạch, công khai cũng như phổ biến tới toàn dân,  tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phải phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần gửi đến từng người có đất thu hồi. Trong quyết định ghi rõ mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bước 6: Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt

– Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt như thế nào thì tổ chức thực hiện như thế đó.

– Nếu người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.

– Nếu đã được vận động, thuyết phục nhưng người có đất thu hồi không chấp hành bàn giao đất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.

Vấn đề đền bù, bồi thường, hài hòa lợi ích luôn là bài toán khó khi thu hồi đất 

Bước 7: chế thựcCưỡng  hiện quyết định thu hồi đất (nếu có)

Khi người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất mặc dù các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã vận động và thuyết phục, lúc này việc quyết định cưỡng chế thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện bắt đầu được diễn ra. 

Theo luật định, việc cưỡng chế sẽ được thực hiện khi có đầy đủ 4 yếu tố sau:

(1) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục.

(2) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

(3) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.

(4) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

Như vậy có thể nói, công tác thu hồi đất là việc quan trọng, được luật định rõ ràng về một trình tự bao gồm các bước cụ thể, chặt chẽ. Trên thực tế, khâu giải phóng mặt bằng và lập phương án đền bù thường gặp khó khăn nhất. Khâu này thường xảy ra tranh cãi, không hài hòa ý kiến giữa cơ quan, tổ chức với người có đất thu hồi.

Xem thêm